Khánh Hòa: Cấm biển, tập trung di dời người dân

0
31

Tỉnh Khánh Hòa đang gấp rút triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9.

 Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh yêu cầu các địa phương, sở ngành, đơn vị… cùng với việc thực hiện công điện số 2 ngày 22/11 của tỉnh, thì tập trung vào nhiệm vụ kêu gọi tàu, thuyền của ngư dân còn hoạt động trên biển khẩn trương trở vào bờ, hoặc tìm chỗ tránh, trú bão an toàn.

Đồng thời thông báo cho ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, các tàu du lịch, các phương tiện đi lại trên biển biết thời gian phải ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu hành trên biển kể từ 12h ngày 23/11 cho đến khi kết thúc bão. Đối với các ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng, bè trên biển bắt buộc phải trở vào bờ trước 16h ngày 23/11.

Cáp treo Vinperland ngưng hoạt động kể từ 14h ngày 23/11. Đối với các hộ dân ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu do mưa lớn, vùng ảnh hưởng của xả lũ hồ chứa, việc sơ tán, di dời dân phải hoàn thành trước 16h giờ ngày 23/11.

TP. Nha Trang đã di dời những hộ dân tại 4 vùng có nguy cơ sạt lở cao về nhà văn hóa Phú Cường – Phú Thọ cùng các trường học, nhà văn hóa, trụ sở thôn trên địa bàn xã Phước Đồng.

Thành phố sẽ tiếp tục di dời 384 hộ, với hơn 1.200 nhân khẩu. Lãnh đạo UBND phường Vĩnh Hòa cho biết dự kiến khoảng 80 hộ dân sống dưới chân núi Cô Tiên, chủ yếu là khu vực Nam Hòn Khô sẽ được di dời đến nhà người thân, điểm sinh hoạt văn hóa.

Liên tục những ngày gần đây, UBND TP. Cam Ranh đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản neo chắc các bè nuôi, hạ độ cao các lồng chìm. Địa phương kiên quyết chỉ đạo không để bất cứ người dân nào còn ở lại trên bè khi bão đến.

Toàn thành phố hiện có 1.275 tàu thuyền đánh cá, trong đó có 130 chiếc hoạt động xa bờ, chủ yếu ở ngư trường phía nam. Hiện, các tàu cá đều nắm bắt được thông tin diễn biến phức tạp của cơn bão số 9. Đối với một số tàu cá xa bờ còn hoạt động trên biển, các địa phương đang tiếp tục liên lạc để hướng dẫn ngư dân tìm nơi tránh trú an toàn.

Các chiến sĩ đảo Song Tử Tây chằng chống nhà đối phó cơn bão số 9. Ảnh: Báo Tuổi trẻ

Những ngày qua, các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa đã tích cực triển khai kế hoạch phòng, chống cơn bão số 9 với phương châm “4 tại chỗ”.

Các đảo đã triển khai cắt tỉa cành cây, chằng chống mái nhà, kho tàng, hệ thống pin, đèn năng lượng mặt trời và di chuyển các thiết bị về nơi an toàn, chú trọng công tác chống ngập úng, triều cường, luyện tập các phương án, sẵn sàng di dời dân về khu vực kiên cố để đảm bảo an toàn.

Cùng với đó, các đảo đã trực canh thông tin 24/24 giờ, liên tục liên lạc, hướng dẫn các tàu cá của ngư dân đang hoạt động trên khu vực quần đảo Trường Sa về các âu tàu để trú tránh bão.

Lực lượng quân y các đảo cũng đã chuẩn bị các phương án thăm khám, cấp thuốc cho ngư dân khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, các đảo cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đưa ngư dân lên các làng chài để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ vào đảo.

Còn huyện Vạn Ninh đã triển khai công tác chằng chống nhà cửa, kéo lồng bè vào vùng kín gió. Đặc biệt, vùng vịnh Vân Phong hiện có trên 10.000 lồng bè với hơn 2.000 lao động, UBND huyện đã thông báo đến các lãnh đạo địa phương, cử người ra tận lồng bè để thông báo người dân đến 16h chiều nay sẽ kết thúc di dời lồng bè vào vùng an toàn, tất cả mọi người phải vào nơi trú ẩn sau 17h. Sau đó chính quyền địa phương sẽ đi kiểm tra, nếu phát hiện người dân vẫn ở trên lồng bè sẽ tiến hành cưỡng chế.

Lãnh đạo huyện Diên Khánh cho biết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở để di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm; chủ động hỗ trợ cát và vận động người dân chằng chống nhà cửa, công trình, nhất là nhà tạm, nhà bán kiên cố, nhà của đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cũng đã triển khai việc trực ban, trực gác, thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại các địa phương.

Bên cạnh đó, huyện cũng chuẩn bị phương án huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn và di dời dân trong trường hợp bão đổ bộ. Lực lượng quân đội sẽ hỗ trợ trực tiếp cho huyện khi có sự cố. Tại các xã, thị trấn, lực lượng dân quân cơ động, thanh niên xung kích túc trực thường xuyên với số lượng 30-40 người/địa phương.

Để ứng phó với cơn bão số 9, thị xã Ninh Hòa đã thành lập đoàn đi kiểm tra các điểm xung yếu, vùng trũng; đồng thời vận động người dân phát quang những cây lớn trong vườn nhà, tránh bị ngã đổ; chằng néo nhà cửa.

Thị xã cũng phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đi kiểm tra an toàn các hồ trên địa bàn. Hiện tại, các hồ chứa nước đang ở mức thấp. Cụ thể, hồ Eakrong Rou cao trình cho phép 606 m nhưng hiện chỉ ở cao trình 594,4; hồ Đá Bàn cao trình cho phép 63 m nhưng hiện chỉ ở cao trình 51,94 m. Đây là 2 hồ có cao độ lớn nhất trên địa bàn tỉnh, vì vậy công tác ứng phó với mưa lũ thường xuyên được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Các huyện còn lại của tỉnh Khánh Hòa cũng đang gấp rút triển khai các công tác phòng, chống bão số 9.

Theo BT(tổng hợp) / http://baochinhphu.vn

Không được tổ chức tour, tuyến phục vụ du khách trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền

10 món ăn ngon Nha Trang nổi tiếng và nơi tìm ra chúng

Học sinh Khánh Hòa nghỉ học từ chiều 23 đến hết ngày 25-11

Người dân, du khách ‘tắm’ bụi trên đường cửa ngõ TP Nha Trang